Phở, món ăn đơn giản nhưng tinh tế của ẩm thực Việt, tự khi nào đã được quốc tế hóa một cách không chủ định khi nằm trong top 3 từ tiếng Việt không cần dịch thuật là "Phở" - "Áo dài" và "Tết". Nhưng liệu có nên chọn phở làm đại diện cho ẩm thực Việt?
>> “Quyền lực” của phở>> Rạng danh bánh mì Việt
Trong bài viết có tiêu đề "Quà tặng ẩm thực tuyệt vời của Việt Nam dành cho nước Mỹ" đăng trên tờ Huffington Post (Mỹ) vào tháng 02/2012, nhà báo David Rosengarten đã dùng nhiều mỹ từ để ngợi ca phở Việt. Theo ông thì đại diện tiêu biểu cho ẩm thực Việt Nam tại Mỹ chỉ có thể là phở, một món ngon độc đáo gồm những sợi phở làm từ bột gạo, nước dùng ninh từ xương bò và những miếng thịt bò thái mỏng. Một món ăn mà người Việt nào cũng muốn (và thường xuyên) thưởng thức có khi đến 3 lần/tuần.
Đây vốn là món ăn đặc trưng của Hà Nội nhưng đã phổ biến khắp các vùng miền Việt Nam, cũng như trở thành một biểu tượng của ẩm thực Việt. Nhà báo Rosengarten cũng chia sẻ rằng, thực khách có thể thưởng thức món phở tại các nhà hàng Việt Nam nằm tại các khu vực có đông cộng đồng người Châu Á sinh sống trên khắp nước Mỹ, vốn lên đến gần 2 triệu người.
Còn trong một cuộc phỏng vấn, cô Eléonore Sulser, phóng viên mảng phê bình văn học ở nhật báo tiếng Pháp Le Temps có trụ sở ở Geneva đã hồ hởi khoe về món phở Việt Nam mà cô thường ăn vào bữa trưa ở nhà hàng Ngôi nhà châu Á - Maison d'Asie rằng "Phở ở đây ngon hơn hẳn phở ở các quán khác ở Geneva mà tôi đã từng ăn. Tuần nào tôi cũng phải đến đây thưởng thức ít nhất một lần. Có tuần tôi đến đây hai thậm chí ba lần".
Và còn vô vàn những lời ngợi khen khác. Thậm chí tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đến Việt Nam lúc đương nhiệm cũng "thân chinh" ghé qua tiệm Phở 2000 ở góc đường Phan Chu Trinh gần chợ Bến Thành để thưởng thức món ăn hấp dẫn này (và đến bây giờ thương hiệu này vẫn giữ nguyên câu slogan "Pho for the President" như một gợi nhớ về sự kiện thú vị này, khi đó ông Bill Clinton đã ăn đến 2 tô).
Phở có dễ đi xa?
Sự phổ biến của phở là điều không cần bàn cãi. Hầu như vùng nào có cộng đồng người Việt Nam sinh sống đều có nhà hàng bán phở. Không chỉ cùng người Việt rong ruổi khắp muôn nơi, phần nào giúp vơi đi nỗi nhớ quê hương, mà phở còn là niềm tự hào, hãnh diện của những công dân Việt khi giới thiệu đất nước mình với bạn bè bốn phương.
Những thương hiệu phở Việt khi đem ra các quốc gia lân cận cũng gặp nhiều khó khăn. Như năm 2007, khi Phở 24 thâm nhập thị trường Singapore dưới hình thức nhượng quyền cũng sớm đình trệ bởi nhiều yếu tố mà một trong số đó là do giá thành nguyên liệu quá cao.
Những bất cập đó đặt ra vấn đề: có nên chọn một món khác thay thế cho ẩm thực Việt trong hành trình chinh phục thế giới, khi phở tuy tinh tế nhưng lại quá cầu kỳ?
Bánh mì hay cà phê sữa đá?
Thành công của bánh mì Việt - vốn dĩ được xem như một món ăn đặc trưng của phương Tây từng khiến nhiều người ngạc nhiên. Thậm chí tạp chí uy tín Forbes từng đưa bánh mì thịt kiểu Việt Nam (để phân biệt với bánh mì "tàu ngầm" - sub của Mỹ hoặc "bánh mì kẹp" - sandwich) vào nhóm 20 xu hướng ảnh hưởng đến thế giới. Forbes cũng dùng chính xác chữ "banh mi" chứ không sử dụng tiếng Anh như trước kia nữa.
Thành công nhất có lẽ là Lee’s Sandwiches, thương hiệu xuất phát từ thành phố San Jose thuộc bang California và cũng là là công ty đầu tiên nhượng quyền kinh doanh bánh mì Việt với hơn 50 cửa hàng ở California, Texas, Arizona, Oklahoma... Ấn phẩm Nation’s Restaurant News chuyên về ẩm thực cũng nhận định món bánh mì hương vị Việt đang là một xu hướng thưởng thức mới ở Mỹ.
Hơn nữa, với thương hiệu Lee’s Coffee, Lee’s Sandwiches còn góp phần phổ biến cả món cà phê sữa đá được pha theo kiểu Việt Nam truyền thống. Chữ "cafe sua da" cũng được "quốc tế hóa" như một tên gọi quen thuộc giữa các món cà phê châu Âu phổ biến.
Thành công ban đầu của một thương hiệu ẩm thực Việt trên "đấu trường" thế giới, vốn khắc nghiệt và chỉ dành cho những "ông lớn" như McDonald's, KFC, hay Burger King... đã gợi mở một công thức truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra ngoài thế giới: "ngon + độc đáo + nguyên liệu đơn giản". Một món ngon chưa hẳn đã độc đáo, mà một món được cho là độc đáo thì chưa chắc nguyên liệu đã dễ tìm. Cộng hưởng đầy đủ 3 thành tố trên thì cơ hội thành công là rất lớn, như trường hợp của Lee's Sanwiches.
Cần một chiến lược dài hạn
"Huyền thoại marketing của nhân loại" - Phillip Kotler trong chuyến ghé thăm Việt Nam năm 2007 đã từng gợi ý Việt Nam nên phát triển theo hướng trở thành "bếp ăn của thế giới". Điều đó cũng đồng nghĩa, ẩm thực Việt cần có một chiến lược dài hạn, một công thức thành công được xáp lập rõ ràng kèm theo sự hỗ trợ nhiệt tình của các ban, ngành liên quan. Có như vậy hy vọng một ngày không xa, tầm ảnh hưởng của ẩm thực Việt cũng mạng mẽ như sushi của Nhật, kim chi của Hàn Quốc, hay cà ri Ấn Độ...
Đặng Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét