Chỉ nhìn bát phở bò chín, thịt thái mỏng tang như tờ giấy pơ luya màu nâu ánh vàng, hành tươi thái nhỏ tròn xoe như hạt cườm xâu chuỗi đồ hàng của trẻ con mà đã thấy mọi giác quan được thỏa mãn. Chậm rãi thưởng thức từng thìa nước phở còn bốc khói, thơm tho như hơi thở từ khuôn miệng mặn mà rất tình của người thiếu phụ, nàng ngồi đó, mơ màng...
Ngày xưa khó khăn, mỗi khi ốm mới có tiêu chuẩn được ăn phở.
Qua ngưỡng người lớn lâu rồi nhưng hai mùi hương mình thích và nhớ nhất
khi đi xa là hương thịt chín và hương phở tỏa ra từ chiếc cặp lồng nhôm
mẹ mua về từ hàng phở Thịnh ở phố Hàng Bột cũ.
Trẻ con, đang sốt khô nứt cả môi mà vẫn biết dặn mẹ chỉ được mua phở bà Thịnh, phở bò chín, thịt "giấy". Mắt chữ o mồm chữ a tưởng tượng ra đủ thứ cổ tích kinh dị khi nghe người lớn kể chuyện hàng phở bà Thịnh cho cả một con bò vào nồi ninh nên nước dùng mới ngọt và đậm đà đến thế. Lớn lên, cuộc đời có bao nhiêu thứ quên rồi nhớ, nhớ rồi lại quên, nhưng mùi thơm ngọt hăng hắc của hồi quế quện với mùi gừng nướng trong quán phở cũ kỹ ấy vẫn mãi theo mình. Vào trong cả những giấc mơ máy lạnh bên Mỹ.
Có những món ăn phải có bạn có phường mới khoái, thế mà khi ăn phở, mình lại thích ngồi một mình. Nhớ những buổi sáng mùa hè nắng trong ngồi yên lặng ở một góc quán. Chỉ nhìn bát phở bò chín thịt thái mỏng tang như tờ giấy pơ luya màu nâu ánh vàng, hành tươi thái nhỏ tròn xoe như hạt cườm xâu chuỗi đồ hàng của trẻ con mà đã thấy mọi giác quan được thỏa mãn. Sợi bánh ở đây mỏng dẹt và dai chứ không giống thứ bánh nửa phở nửa bún như ở Mỹ. Chậm rãi thưởng thức từng thìa nước phở còn bốc khói, thơm tho như hơi thở từ khuôn miệng mặn mà rất tình của người thiếu phụ. Nàng ngồi đó, mơ màng nghĩ về tuổi già đang sầm sập tới, về những nếp đồi mồi giống như vách tường ám khói màu bồ hóng cũ kỹ kia mà hoảng sợ.
Một ngày đầu tháng Sáu, người thiếu phụ tìm đến quán phở xưa, mang theo những dòng hồi ức đã viết trước khi trở về, mong tìm lại ký ức đã theo nàng vượt chặng đường hơn 25 nghìn dặm tới nửa bên kia trái đất. Sáng sớm phố đã nhễ nhại nắng. Nàng đã chạm tay vào cái nóng ấy. Đi xuyên qua nó giữa trưa hè. Đã nhìn thấy nó trên cơ man lưng trần áo yếm lấm tấm những mặn mòi phía sau xe máy trên đường Thanh Niên. Đã nghe thấy âm thanh của nó trong tiếng quạt trần re re nhẫn nại trong đêm, và được nếm vị của nó trong bát canh rau muống luộc dầm sấu của mẹ.
Quán phở giờ đã là một trong những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội. Bà cụ tóc đã bạc, sức yếu nên nhường lại cửa hàng cho đám con cháu trông nom. Quán phở đã được cơi nới thành hai gian nhà khang trang, ốp gạch men trắng. Vẫn mùi hương ngọt hắc của hồi quế. Trên mặt quầy là rổ bánh phở lá mỏng, khay thịt bò tươi đỏ hồng, những lát thịt bò chín thái khéo giống như những tờ giấy pơ luya màu nâu. Những hạt cườm xanh vẫn nhẹ nhõm thanh thoát, nhất định không phải là thứ phở "đoảng vị" (chữ cụ Vũ Bằng) như những tô phở "xe lửa" ú hụ tái nạm gầu gân sách, giá đỗ, mùi tàu, húng ở thành phố nơi nàng đang sống. Nhiều năm đi xa, nàng đã biết cách chọn loại bơ hợp khẩu vị, biết nướng xúc xích sao cho bên ngoài giòn bên trong vẫn còn nước ngọt mà không khô xác. Thế nhưng hương vị phở của những miền khác, nàng vẫn chưa thể nào quen. Nàng trở về, mong tìm lại hồn phở một thời vẩn vương trên bức tường ám khói cũ kỹ trong ký ức tuổi thơ. Nhưng cuộc hạnh ngộ mong chờ ấy đã không xảy ra.
Đối với thời gian, sự đổi thay giống như người vợ yêu tâm đầu hợp ý, luôn khăng khít có nhau. Người thiếu phụ nhìn quanh, hụt hẫng như muốn tìm kiếm một thứ gì đó quen thuộc để bấu víu. Nhưng đáp lại chỉ là tiếng xe ì ào ngoài cửa, những gương mặt và giọng nói lạ lẫm, hắt ngược vào bức tường gạch men bóng loáng tạo thành những hình khối màu xám chuyển động chậm chạp. Người đàn ông luống tuổi ngồi cạnh nồi nước dùng, tay thoăn thoắt bốc bánh, gắp thịt, chia hành vào từng tô phở, chuẩn xác như đã lặp đi lặp lại những động tác đó cả trăm ngàn lần mỗi ngày. Những chiếc khăn giấy nhàu nhĩ, vương vãi trên sàn nhà. Người đàn bà nhỏ thó tay cầm một xấp tiền dày, đi quanh các bàn thu tiền... Vài người đàn ông dáng vẻ còn ngái ngủ vì dậy sớm, mặt cúi gằm, lặng lẽ thả buổi sáng vào trong tô phở nghi ngút khói, và chỉ thỏa mãn ngẩng lên khi tiếng thìa đũa chạm vào đáy bát lanh canh.
Nàng chợt quay đi...
"Cho xin một bát chín thịt không vụn...", tiếng ngập ngừng loang đến bậu cửa nơi một bà cụ già tóc bạc phơ đang ngồi nhặt hành lá. Bà chợt dừng tay, ngẩng đầu lên nhìn người thiếu phụ. Ngọn lửa trong đôi mắt mờ đục ánh lên những tia nhìn yếu ớt, như ngạc nhiên trước lời đề nghị "khác thường" của vị khách đến sớm. Có lẽ đã lâu lắm rồi...
Ngồi bên tô phở ký ức, người thiếu phụ bỗng nhớ đến tổ ấm bé nhỏ đang chờ nàng trở về ở nơi xa. Lần đầu tiên, nàng không còn muốn ăn phở một mình.
Vì nàng hiểu ra rằng, thời gian giống như con ngựa bất kham, tung vó hoang trên cánh đồng ký ức quanh năm trổ hạt.
Trên cánh đồng ấy, nó chẳng nương nhẹ bất cứ thứ gì, trừ nỗi nhớ...
Hồng Thủy
Trẻ con, đang sốt khô nứt cả môi mà vẫn biết dặn mẹ chỉ được mua phở bà Thịnh, phở bò chín, thịt "giấy". Mắt chữ o mồm chữ a tưởng tượng ra đủ thứ cổ tích kinh dị khi nghe người lớn kể chuyện hàng phở bà Thịnh cho cả một con bò vào nồi ninh nên nước dùng mới ngọt và đậm đà đến thế. Lớn lên, cuộc đời có bao nhiêu thứ quên rồi nhớ, nhớ rồi lại quên, nhưng mùi thơm ngọt hăng hắc của hồi quế quện với mùi gừng nướng trong quán phở cũ kỹ ấy vẫn mãi theo mình. Vào trong cả những giấc mơ máy lạnh bên Mỹ.
Có những món ăn phải có bạn có phường mới khoái, thế mà khi ăn phở, mình lại thích ngồi một mình. Nhớ những buổi sáng mùa hè nắng trong ngồi yên lặng ở một góc quán. Chỉ nhìn bát phở bò chín thịt thái mỏng tang như tờ giấy pơ luya màu nâu ánh vàng, hành tươi thái nhỏ tròn xoe như hạt cườm xâu chuỗi đồ hàng của trẻ con mà đã thấy mọi giác quan được thỏa mãn. Sợi bánh ở đây mỏng dẹt và dai chứ không giống thứ bánh nửa phở nửa bún như ở Mỹ. Chậm rãi thưởng thức từng thìa nước phở còn bốc khói, thơm tho như hơi thở từ khuôn miệng mặn mà rất tình của người thiếu phụ. Nàng ngồi đó, mơ màng nghĩ về tuổi già đang sầm sập tới, về những nếp đồi mồi giống như vách tường ám khói màu bồ hóng cũ kỹ kia mà hoảng sợ.
Một ngày đầu tháng Sáu, người thiếu phụ tìm đến quán phở xưa, mang theo những dòng hồi ức đã viết trước khi trở về, mong tìm lại ký ức đã theo nàng vượt chặng đường hơn 25 nghìn dặm tới nửa bên kia trái đất. Sáng sớm phố đã nhễ nhại nắng. Nàng đã chạm tay vào cái nóng ấy. Đi xuyên qua nó giữa trưa hè. Đã nhìn thấy nó trên cơ man lưng trần áo yếm lấm tấm những mặn mòi phía sau xe máy trên đường Thanh Niên. Đã nghe thấy âm thanh của nó trong tiếng quạt trần re re nhẫn nại trong đêm, và được nếm vị của nó trong bát canh rau muống luộc dầm sấu của mẹ.
Quán phở giờ đã là một trong những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội. Bà cụ tóc đã bạc, sức yếu nên nhường lại cửa hàng cho đám con cháu trông nom. Quán phở đã được cơi nới thành hai gian nhà khang trang, ốp gạch men trắng. Vẫn mùi hương ngọt hắc của hồi quế. Trên mặt quầy là rổ bánh phở lá mỏng, khay thịt bò tươi đỏ hồng, những lát thịt bò chín thái khéo giống như những tờ giấy pơ luya màu nâu. Những hạt cườm xanh vẫn nhẹ nhõm thanh thoát, nhất định không phải là thứ phở "đoảng vị" (chữ cụ Vũ Bằng) như những tô phở "xe lửa" ú hụ tái nạm gầu gân sách, giá đỗ, mùi tàu, húng ở thành phố nơi nàng đang sống. Nhiều năm đi xa, nàng đã biết cách chọn loại bơ hợp khẩu vị, biết nướng xúc xích sao cho bên ngoài giòn bên trong vẫn còn nước ngọt mà không khô xác. Thế nhưng hương vị phở của những miền khác, nàng vẫn chưa thể nào quen. Nàng trở về, mong tìm lại hồn phở một thời vẩn vương trên bức tường ám khói cũ kỹ trong ký ức tuổi thơ. Nhưng cuộc hạnh ngộ mong chờ ấy đã không xảy ra.
Đối với thời gian, sự đổi thay giống như người vợ yêu tâm đầu hợp ý, luôn khăng khít có nhau. Người thiếu phụ nhìn quanh, hụt hẫng như muốn tìm kiếm một thứ gì đó quen thuộc để bấu víu. Nhưng đáp lại chỉ là tiếng xe ì ào ngoài cửa, những gương mặt và giọng nói lạ lẫm, hắt ngược vào bức tường gạch men bóng loáng tạo thành những hình khối màu xám chuyển động chậm chạp. Người đàn ông luống tuổi ngồi cạnh nồi nước dùng, tay thoăn thoắt bốc bánh, gắp thịt, chia hành vào từng tô phở, chuẩn xác như đã lặp đi lặp lại những động tác đó cả trăm ngàn lần mỗi ngày. Những chiếc khăn giấy nhàu nhĩ, vương vãi trên sàn nhà. Người đàn bà nhỏ thó tay cầm một xấp tiền dày, đi quanh các bàn thu tiền... Vài người đàn ông dáng vẻ còn ngái ngủ vì dậy sớm, mặt cúi gằm, lặng lẽ thả buổi sáng vào trong tô phở nghi ngút khói, và chỉ thỏa mãn ngẩng lên khi tiếng thìa đũa chạm vào đáy bát lanh canh.
Nàng chợt quay đi...
"Cho xin một bát chín thịt không vụn...", tiếng ngập ngừng loang đến bậu cửa nơi một bà cụ già tóc bạc phơ đang ngồi nhặt hành lá. Bà chợt dừng tay, ngẩng đầu lên nhìn người thiếu phụ. Ngọn lửa trong đôi mắt mờ đục ánh lên những tia nhìn yếu ớt, như ngạc nhiên trước lời đề nghị "khác thường" của vị khách đến sớm. Có lẽ đã lâu lắm rồi...
Ngồi bên tô phở ký ức, người thiếu phụ bỗng nhớ đến tổ ấm bé nhỏ đang chờ nàng trở về ở nơi xa. Lần đầu tiên, nàng không còn muốn ăn phở một mình.
Vì nàng hiểu ra rằng, thời gian giống như con ngựa bất kham, tung vó hoang trên cánh đồng ký ức quanh năm trổ hạt.
Trên cánh đồng ấy, nó chẳng nương nhẹ bất cứ thứ gì, trừ nỗi nhớ...
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét