Nếu căn cứ theo bản chất thì tiền tệ có thể được chia ra thành hai loại
cơ bản là tiền vay mượn và phi vay mượn. Tiền vay mượn chính là hệ thống
tiền tệ pháp định đang lưu thông chủ yếu ở các quốc gia phát triển hiện
nay, thành phần chủ yếu của nó bao gồm các khoản vay mượn “tiền tệ hoá”
của chính phủ, các công ty cũng như tư nhân.
Đồng đô-la Mỹ chính là
một trường hợp điển hình nhất trong số các đồng tiền vay mượn. Nó được
tạo ra cùng lúc với quá trình sinh ra nợ nhưng cũng đồng thời bị triệt
tiêu khi nợ được hoàn trả. Mỗi một đồng đô-la Mỹ trong lưu thông đều có
giá trị như một hoá đơn ghi nợ mà mỗi hoá đơn ghi nợ như vậy đều sinh ra
lãi hàng ngày và không ngừng tăng lên theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con. Vậy
những khoản thu nhập lãi suất lên đến con số khổng lồ này thuộc về ai?
Câu trả lời là: thuộc về hệ thống ngân hàng đã tạo ra đồng đô-la Mỹ. Lợi
tức của đồng đô-la vay mượn là phần nằm ngoài tổng lượng tiền tệ vốn
có, và tất nhiên, nguồn lợi tức này đòi hỏi đồng đô-la vay mượn mới phải
được tạo ra bên cạnh tổng lượng tiền tệ hiện có, hay nói cách khác,
người dân vay tiền càng nhiều thì nguồn tiền cho vay sẽ càng tăng. Việc
vay mượn và tiền bạc gắn chặt với nhau mà kết quả logic tất yếu của việc
này chính là tiền cho vay mãi mãi tăng lên, cho đến khi áp lực lãi suất
của món nợ ấy vượt quá sự phát triển của nền kinh tế và dẫn đến sự sụp
đổ của toàn bộ hệ thống. Tiền tệ hoá dịch vụ vay mượn là một trong những
nhân tố gây bất ổn nghiêm trọng nhất trong nền kinh tế hiện đại và nó
thông qua dự chi tương lai để thoả mãn nhu cầu hiện tại. Câu nói của
người Trung Quốc xưa đại loại “thu không bù chi” chính là muốn đề cập
đến ý này.
Một loại tiền tệ khác, đó chính là tiền tệ phi vay nợ mà
vàng bạc là đại diện. Loại tiền tệ này không cần đến sự hứa hẹn của bất
cứ người nào, không phải là món nợ của bất cứ ai, và thứ mà nó đại diện
chính là thành quả lao động đã hoàn thành của loài người, là thứ có được
từ sự tiến hoá tự nhiên trong thực tiễn xã hội kéo dài hàng mấy nghìn
năm của loài người. Nó không cần đến sự cưỡng chế của bất cứ thế lực
nào, có thể vượt qua mọi thời đại và ranh giới quốc gia và là phương
pháp thanh toán cuối cùng nhất trong hệ thống tiền tệ.
Trong tất cả
các loại tiền tệ, vàng bạc đồng nghĩa với việc “sở hữu thực tế”, còn
tiền pháp định lại đại diện cho “phiếu nợ + sự hứa hẹn”. Và hàm lượng
vàng của hai loại tiền này có sự khác nhau về bản chất.
Đồng nhân dân
tệ của Trung Quốc nằm giữa ranh giới hai loại tiền này. Mặc dù trước
mắt, trong hệ thống đồng Nhân dân tệ vẫn đang tồn tại yếu tố “dịch vụ
vay mượn hoá tiền tệ”, nhưng nếu căn cứ vào chủ thế của đồng Nhân dân tệ
thì nó vẫn thể hiện đủ chất và lượng của sản phẩm và dịch vụ đã hoàn
thành trong quá khứ. Việc phát hành đồng Nhân dân tệ không hoàn toàn
giống như việc phát hành đồng đô-la Mỹ (đồng đô-la Mỹ cần phải dùng nợ
quốc gia (công trái) để làm thế chấp). Do bởi Ngân hàng trung ương tư
hữu phát hành cho nên đồng nhân dân tệ tránh được khả năng các khoản chi
trả lợi tức khổng lồ rơi vào túi tư nhân. Nhìn từ góc độ này, thuộc
tính của đồng nhân dân tệ có vẻ gần hơn với vàng bạc. Đồng thời, do
không có vàng bạc làm chỗ dựa nhưng lại có thuộc tính cơ bản của đồng
tiền pháp định, đồng nhân dân tệ cần phải dựa vào sức cưỡng chế của
chính phủ mới có thể đảm bảo giá trị tiền tệ.
Sự hiểu biết về chế độ
tiền tệ pháp định của phương Tây, đặc biệt là bản chất của đồng đô-la
Mỹ, là tiền đề cần thiết cho sự cải cách tương lai của đồng Nhân dân tệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét