Triết lý là hỏi; triết học là hỏi về hỏi; trong chữ triết khi chiết tự, ta thấy có chữ khẩu; khẩu
là miệng, miệng dùng để nói; nói là hỏi (và trả lời). Không bao giờ trả
lời nếu không ai hỏi. Chỉ trả lời là khi có hỏi đi trước. Triết lý là
hỏi; khoa học là trả lời. Khoa học là gì? Đây là câu hỏi: khoa học không
thể trả lời câu hỏi này, bởi vì đây là câu hỏi về khoa học; mà bản chất
của khoa học là chỉ trả lời; mà trả lời thì chỉ trả lời khi người khác
hỏi; khoa học không thể hỏi khoa học, vì hỏi khoa học là phản bội khoa
học, là không phải khoa học. Phận sự triết lý là hỏi; phận sự khoa học
là trả lời. Người ta thường nói: Hỏi tức là trả lời. Câu ấy có
nghĩa là triết lý bao trùm cả khoa học. Triết lý là bóng tối; khoa học
là một ngọn đèn cầy yếu ớt; bóng tối vây phủ ngọn đèn, nhưng bóng đèn
leo lét bắt đầu chiếu rọi ánh sáng yếu ớt lên không gian. Ánh sáng trả
lời bóng tối. Bóng tối kêu gọi ánh sáng; bóng tối hỏi, ánh sáng liền trả
lời. Ánh sáng chỉ là ánh sáng là nhờ vào bóng tối; ngược lại, bóng tối không thể nhờ vào ánh sáng; vì nếu bóng tối là nhờ
vào ánh sáng thì ánh sáng sẽ phá hủy bóng tối và bóng tối sẽ không còn
gọi là bóng tối nữa. Bóng tối là bóng tối, nhưng ánh sáng chỉ là ánh
sáng là nhờ bóng tối; mặt trời chỉ là mặt trời là nhờ nằm trong không gian đen tối vô tận.
Triết lý là hỏi.
Triết học là hỏi về hỏi.
Khoa học là trả lời câu hỏi của triết lý, nhưng không thể trả lời về
câu hỏi về câu hỏi; vì nếu trả lời về câu hỏi về câu hỏi, thì sẽ bị
triết lý hỏi về câu trả lời của khoa học về câu hỏi về câu hỏi; lúc bấy
giờ khoa học lại trả lời nữa; nhưng câu trả lời này lại bị hỏi nữa. Cứ
như thế mà đi mãi, từ hỏi đến trả lời, từ trả lời đến hỏi, cho đến vô
tận, vô cùng không bao giờ dứt được, áp dụng infinitum.
Như thế cả triết lý và khoa học đều rơi vào ngõ cụt, ngõ bí, không lối thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét