Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Đi ngược



*Nói đến đi xuôi tức là chạy theo kiến thức và kinh nghiệm, còn nói đi ngược là TỪ CHỐI KIẾN THỨC VÀ KINH NGHIỆM*

Ví dụ như người anh hay người chị của mình có tính khí rất ngang bướng, dù mình đã góp ý mãi nhưng họ không sửa. Bây giờ mình làm theo đường lối khác, không góp ý, không sửa mà làm ngược lại là chấp nhận sự ngược ngạo đó, rồi khen họ. Tức là mình ứng xử theo phương pháp hoàn toàn ngược lại thì tình thế sẽ khác đi. Dĩ nhiên, cái đầu của con người không thể thay đổi một cách nhanh chóng được mà phải đổi từng ngày, từng ngày, tháng qua tháng, rồi thành thói quen. Và đầu óc con người là một vấn đề vô cùng gian nan. Chỉ người nào có đầu óc minh triết mới có thể sống hạnh phúc được, còn người không có khả năng minh triết thì không sống hạnh phúc được.

*Nói đến đi ngược tức là KHÔNG BÁM VÀO BÊN NGOÀI*

Ví dụ bây giờ nghe một câu nói của người khác mình thấy rất khó chịu, đó là theo lối cũ bình thường. Theo lối ngược lại là cũng nghe một câu như vậy nhưng mình cảm thấy rất dễ chịu, mình nghe họ nói sao dễ thương quá. Đây chính là một phương pháp, một kĩ thuật để luyện cái đầu chạy ngược chứ không phải họ nói dễ thương.
Ví dụ như trước đây quý vị vào văn phòng làm việc mà người ta chửi, lườm nguýt, quý vị thấy khó chịu quá trời quá đất nhưng vẫn phải làm chung. Bây giờ quý vị tập ngược, tức là vào văn phòng nghe họ chửi, lườm nguýt thì cảm thấy trong lòng vui. Hôm nào họ bệnh mà không chửi thì cảm thấy trong văn phòng buồn.

*KHÔNG THỂ LUẬN ĐÚNG HAY SAI*

Quý vị cần chú ý, nội dung ở đây tôi không nói đến đúng hay sai nên đừng bàn đến đúng hay sai trong chuyện này. Tôi đang nhấn mạnh ở đây là phải tập thói quen ngược cho cái đầu. Do đó, không thể luận đúng hay sai được. Nếu luận đúng hay sai thì lại tiếp tục đi theo đường xuôi, chứ không phải đi theo đường ngược. Khi quý vị tập theo đường ngược như vậy thì tự nhiên sẽ khám phá hạnh phúc và khám phá màu nhiệm. Chính kết quả của việc tập cho đầu óc đi ngược sẽ trả lời cho quý vị đúng hay sai.

*DÙNG NHỮNG TRƯỜNG HỢP LÀM MÌNH KHÓ CHỊU ĐỂ TẬP TRƯỚC*

Có lẽ quý vị cũng đã tập nhiều rồi, tập lấy đắng làm ngọt, từ thèm ngọt tập thèm đắng… Đó chính là phương pháp ngược. Thông thường khi quý vị nghĩ tới gì đó mà thấy đúng thì bây giờ tập nghĩ ngược lại. Cách tập này làm cho cái trớn của cái đi xuôi ngày xưa giảm tốc độ lại. Ví dụ, thay vì suy nghĩ và đánh giá việc này, việc kia hay đánh giá người này, người kia thì bây giờ thôi, mình không làm vậy mà làm khác. Bởi vì, khi mình suy nghĩ và đánh giá thì hậu quả có rất nhiều chuyện mà mình không biết được. Nhiều khi họ tốt lúc đầu mà xấu lúc sau hay xấu lúc đầu nhưng lại tốt lúc sau… Nếu mình đánh giá hoài thì kết cuộc là đầu óc mình ít khi được bình yên. Như vậy, một là mình có thể tập cố gắng tìm lí do để thông cảm, hai là tập giống như người xa lạ và khi gặp thì tập ngoại giao. Quý vị nên dùng những trường hợp làm mình khó chịu để tập phương pháp ngược này thì dễ thấy hơn.
Còn trong tiếp xúc hằng ngày với người này, người kia, có một số trường hợp mình thấy rất dễ chịu, rất quyến luyến. Với trường hợp như vậy thì quý vị cũng phải tập. Tức là cái gì làm mình quyến luyến, dễ mến và bị lôi cuốn thì cũng phải tập ngược lại. Bởi vì sự quyến luyến và dễ mễn đó cũng có thể dẫn đến thảm họa mà mình không thể biết lúc nào.

*TẬP ĐI NGƯỢC VỚI NGAY CẢ NHỮNG TRƯỜNG HỢP CHO MÌNH DỄ CHỊU*

Trong cuộc sống có hai vấn đề, một là mình thấy rất bực bội và khó chịu, hai là mình cảm thấy rất dễ chịu và bị lôi cuốn. Tức là một bên mình có cảm giác là rất khó chịu và muốn tránh, còn một bên mình thấy rất dễ chịu và bị lôi cuốn. Hai cái này đều có tác dụng xấu, nguy hiểm như nhau. Tác dụng của cảm giác khó chịu và nó khiến mình muốn xa lánh thì hậu quả ít hơn là cảm giác dễ chịu, quyến luyến và mình muốn đi theo. Tức là còn ngọt chừng nào, hấp dẫn chừng nào thì sự nguy hiểm càng lớn chừng ấy. Còn cái kia chẳng qua chỉ là bực bội và khó chịu thôi nhưng ít có nguy hiểm. Do đó, quý vị phải tập đi ngược cả hai tình huống đó, chứ không phải chỉ một tình huống khó chịu.

Qua đó chúng ta thấy, phải có những sự phản diện trở lại thì mới thấy được chính mình. Nếu không có sự phản diện như vậy thì quý vị không thể phát huy được nội lực và trí tuệ. Cho nên, hành giả Minh Triết thường gặp những sự đối đầu rất ghê gớm và rất khó chịu. Tuy nhiên, PHẢI CÓ NGHỊCH CẢNH THƯỜNG XUYÊN NHƯ VẬY THÌ MÌNH MỚI CÓ THỂ BƯỚC QUA, VƯỢT QUA ĐƯỢC VÀ MỚI TRƯỞNG THÀNH LÊN ĐƯỢC. Còn nếu không có nghịch cảnh thì mình không trưởng thành được mà chỉ đứng một chỗ nên không sáng tạo được. Tóm lại, quý vị phải vượt qua những vấn nạn thì trí tuệ, cái tốt cho chính mình và cho người khác mới ra được. Do đó, quý vị đừng sợ nghịch cảnh. Người cứ sợ nghịch cảnh mãi thì rất yếu đuối và không có bản lĩnh, không làm việc lớn lao được!
Hình thức đi ngược là một cách giúp trí tuệ phát triển rất mạnh và thường xuyên mới. Do đó trước cả hai hiện tượng khó chịu và dễ chịu, chúng ta đều phải đi ngược hết chứ không phải chỉ tập đối với hiện tượng khó chịu. Tình huống chúng ta bị lôi cuốn, dễ chịu bởi lời nói, âm điệu, cảm xúc hay cảm giác cũng là cơ hội để chúng ta tập đi ngược lại. Chẳng hạn chúng ta đã quen nghe êm tai thì bây giờ tập nghịch. Và phương pháp đi ngược này rất có lợi, quý vị có tập thử mới thấy được. Một trong những cái lợi là quý vị hoàn toàn kiểm soát được cái đầu, cảm xúc và cảm giác. Cứ tập một thời gian thì quý vị sẽ biết hay như thế nào!

*ĐỪNG SỢ NGHỊCH CẢNH, ĐÓ LÀ CƠ HỘI ĐỂ TẬP*

Nếu một người ra làm lãnh đạo một tổ chức mà chấp nhận 51% ủng hộ, còn 49% không ủng hộ thì người này sẽ làm được việc. Còn người nào chấp nhận 99% ủng hộ thì người này không bao giờ làm được việc lớn vì người ấy không đủ phong độ chịu đựng. Cho nên, có gian khổ nhiều, khóc nhiều thì mới như cá được muối mặn không ươn. Đừng sợ điều nghịch xảy ra mà hãy tập thói quen sống với cái nghịch thì mình mới cứng cáp và rất vững vàng. Mình có cứng cáp, vững vàng thì người khác mới dám tin và dựa vào, còn không thì họ đâu dám dựa vào vì nếu dựa vào chắc họ ngã luôn.

Thành ra nếu mình không đụng độ ở cuộc đời thì không thấy được sức mạnh của mình ở chỗ nào. Quý vị phải động vào mới thấy, mới biết được. Cũng như khi học lí thuyết thì chúng ta thấy dễ, nhưng khi động vào thực tế thì mới khó. Do đó, người đã và đang gánh chịu nỗi khổ đau cùng cực thấy con đường Thiền Minh Triết học rất có giá trị vì họ thấm rất nhanh. Môi trường giáo dục này giống như là một trường huấn luyện mà học sinh vào học đã và đang nếm trải sự đau đớn của cuộc đời. Khi vào học, họ sẽ vượt qua và tiếp tục tiến lên chiến đấu và hưởng thụ cuộc sống trong sự chiến đấu tự tại, luôn luôn đối mặt với cuộc đời một cách tự tại.

*Đón nhận hạnh phúc của sự luyện tập nhuần nhuyễn*

Con người Minh Triết giống như phản ánh một cách ngược lại: hữu tình nhưng vô tình và trong vô tình có hữu tình; lạnh lùng nhưng lại nồng ấm, tức là nồng ấm trong tình trạng không bị lôi cuốn; mềm dẻo nhưng cứng cỏi, bền bỉ; rất thản nhiên và không biểu lộ điều gì nhưng rất hoàn hảo…

Tôi đưa ra một ví dụ nữa để quý vị đón nhận hạnh phúc của sự đi ngược. Hằng ngày, mình có những cử chỉ, lời nói ngọt ngào thì bây giờ tập ngược lại, tức là gần giống như lạnh nhạt trở lại. Có thể quý vị nghe thấy không hợp lí, mà thậm chí giống như làm đau người khác nhưng không phải như vậy. Quý vị cứ làm thử rồi sẽ thấy kết quả tốt đẹp như thế nào!

Còn trường hợp nếu quý vị thấy mình ứng xử còn chưa ngọt ngào và còn thô kệch, nào la, nào mắng thì quý vị lại tập ngọt ngào. Trong cuộc sống, nhiều người cần thể hiện là một con người cứng rắn để chiến đấu và tồn tại với cuộc đời. Cách thể hiện như vậy lâu ngày đã trở thành thói quen. Về nhà người ta làm y như vậy – không nói ngọt được, không dịu dàng được, không cười nhẹ nhàng một cách thoải mái, hồn nhiên được – nên người nhà phải gánh chịu hết. Thành ra, quý vị phải tập ngược lại cách cư xử của ngày xưa thì mới có thể thay đổi được, thói quen cũ mới tan rã dần và vỡ dần, vỡ dần… Nếu mình cứ cười mãi suốt ngày thì tập bớt cười, còn nếu cứ ngậm miệng và gầm gừ suốt ngày thì lại tập cười.

Tóm lại là, bây giờ cái gì quý vị cũng phải tập ngược lại để đầu óc và cơ thể bắt đầu nhuyễn theo sự ngược dòng này.
Tuy nhiên, quý vị tập lạnh nhạt với ai đó theo kiểu không bị xúc cảm dẫn đi, chứ không phải cắt đứt. Mình không thể cắt đứt hoàn toàn được mà mình tập ngược ở một mức độ vừa phải, với một tốc độ vừa phải. Và GIỌNG NÓI CỦA MÌNH CŨNG PHẢI TẬP, CŨNG PHẢI ĐỂ Ý. Tức là giọng nói của mình bây giờ thế nào thì tập ngược lại một chút. NHỜ CHUYỆN TẬP NGƯỢC NÀY MÀ KHÔNG GIAN TỈNH THỨC CỦA QUÝ VỊ ĐƯỢC BỪNG SÁNG VÀ MỞ DẦN RA. Khi quý vị đã tập nhuyễn và thành thói quen rồi thì tùy duyên ứng xử, chứ không phải ứng xử theo kiểu tập. Và khi tập ngược như vậy rồi, quý vị sẽ sống rất phù hợp với quy luật của tạo hóa, nên cứ tùy duyên ứng xử.
Quý vị cũng thấy, người miền Trung tập nói tiếng miền Bắc, hay người miền Nam tập nói tiếng miền Bắc thì rất khó. Bởi vì cái miệng của mình cứng nên bây giờ phải tập: Người miền Nam tập nói tiếng miền Bắc, miền Trung tập nói tiếng miền Nam… Quý vị tập như vậy để lưỡi mềm trở lại, nếu không tập thì lưỡi bị cứng lại và khi nói thì cứ theo tiếng địa phương thôi. Còn nếu đã tập cho cơ bắp của cái miệng, cái lưỡi nhuyễn rồi thì mình nói tiếng nào cũng được. Nói chung là âm điệu giọng nói của quý vị sẽ nhẹ hơn.

Tập ngược như vậy để càng ngày quý vị sẽ càng tỏa ra năng lực riêng. Đó không phải là mình tự cao. Mỗi người đều có năng lực, có giá trị rất ghê gớm nằm chính trong cái đầu. Đừng đánh mất giá trị này!

Quý vị thấy ông Stephen Hawking - nhà vật lý người Anh, hiện nay đang ở bệnh viện, là một người tàn tật và ngồi trên xe lăn nhưng lại là một nhà vật lí vĩ đại đã khám phá ra lỗ đen của vũ trụ. Như vậy, sức mạnh của con người nằm trong cái đầu chứ không phải nằm ở chỗ khác. Một con người mạnh là con người tìm mọi cách để kích hoạt cái đầu. Có nhiều người thay vì tìm cách kích hoạt cái đầu lại tìm cách kích hoạt cái miệng, xúc cảm, cảm giác để sung sướng hay kích hoạt cái vị thèm lên.

*Điều chỉnh cái đầu như thế nào để thật sự được hạnh phúc*

NẾU CHỌN PHÁT TRIỂN CÁI ĐẦU LÀ MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG THÌ CẢNH NÀO CŨNG LÀ CẢNH TỐT, TỨC LÀ NGHỊCH CẢNH VÀ THUẬN CẢNH ĐỀU TỐT VÀ BÌNH ĐẲNG NGANG NHAU. Thành ra người già, người trẻ, người tàn tật hay người bình thường có vấn đề thì chính là ở cái đầu. Không phải theo tôn giáo nào, không phải thờ ai, không phải tu pháp gì thì mới được hạnh phúc. Vấn đề là phải điều chỉnh cái đầu như thế nào để thật sự được hạnh phúc. Quý vị phải rõ như vậy!

Qua đó, tôi cũng nói luôn với quý vị là không hề có thiên đàng ngoài thế giới này, mà cũng chẳng bao giờ có địa ngục dưới mặt đất này. Người ta dùng khái niệm thiên đàng và địa ngục vì họ có lí do của họ. Ở một số tôn giáo, một mặt người ta dùng "thiên đàng" để khuyến khích và khen thưởng nhưng một mặt người ta dùng "địa ngục" để răn đe. Đây là đường lối giáo dục của họ, chứ không phải thiên đàng và địa ngục có hay không có. Và đây thuộc về một nghệ thuật giáo dục. Thậm chí, người ta còn dùng những lời lẽ nguyền rủa rất mạnh, mà có thể người đàng hoàng nghe không được. Nhưng đó là một biện pháp giáo dục nên không thể nói tốt hay xấu.

Duy Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét