Tại sao là Nick mà không phải một gương mặt Việt Nam? Cát-xê của
Nick không hề nhỏ. Anh cũng yêu cầu chế độ VIP cho đoàn tuỳ tùng lên
tới hơn chục người. (Phan Anh)
Cho đến thời điểm tôi viết những dòng này, nghĩa là đã 2h sáng thì trên Facebook của tôi vẫn tràn ngập những lời cảm xúc về Nick Vujicic
của bạn bè. Thật dễ hiểu, với những gì mà chàng trai không tay, không
chân đã làm được, anh xứng đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh. Ấy thế mà,
tôi vẫn không thể nào ngăn được tiếng thở dài...
Thở dài là bởi, với những trường hợp tương tự như Nick Vujicic tại
Việt Nam, trong vòng 1 phút tôi có thể kể tên ra 5 gương mặt tiêu biểu.
Những người như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, hiệp sĩ công nghệ thông tin
Nguyễn Công Hùng, vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu... đã làm được
những điều mà ngay cả người thường cũng khó có thể làm được.
Hoàn cảnh của họ, tài năng và nghị lực của họ có lẽ không thua Nick
là bao, ấy thế mà họ vẫn đang miệt mài đâu đó để tìm mọi cách sống qua
ngày, nỗ lực để cống hiến cho xã hội nhưng không được mấy ai quan tâm.
Trong khi đó, những doanh nhân người Việt giàu có đã phải bỏ một số tiền
khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng để mời Nick đến Việt Nam, nói chuyện về
nghị lực sống, về đam mê vượt qua khó khăn (những điều mà người Việt Nam
nói chung và những người khuyết tật nói riêng đã có thừa).
32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà
các doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng
đang ngập chìm trong khó khăn. Có thể nói với một chiến dịch được cho là
thành công về mặt truyền thông như một công ty đang làm với Nick
Vujicic, đó không hẳn là một sự lãng phí. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu
công ty này chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để giúp đỡ những gương
mặt khuyết tật tài năng vươn lên... thì họ vẫn có thể tạo được một chiến
dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền thông lẫn ý nghĩa xã hội. Bởi
những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là
những "cú hích" về tinh thần mà Nick đã mang tới.
Một
anh bạn người nước ngoài của tôi tự hỏi, không biết tại sao truyền
thông Việt Nam lại "điên cuồng" với Nick Vujicic như vậy. Điều này thật
ra không quá khó hiểu khi mà hệ thống các kênh trên truyền hình liên tục
phát TVC về Nick gần như 30 phút một lần. Là một người làm báo, tôi
chưa bao giờ tôi thấy giới truyền thông Việt Nam lại "nhẹ dạ" đến như
vậy. Họ biết đằng sau một "Nick khuyết tật nghị lực" chính là một bệ đỡ
truyền thông khủng khiếp đến từ các công ty phát hành sách của Mỹ. Nói
đơn giản hơn, Nick cũng chỉ là một sản phẩm truyền thông để người ta bán
được sách mà thôi. "Anh ấy là một người phi thường, nhưng anh ấy cũng
là một nghệ sĩ biểu diễn", bạn tôi nói. Quả thật, với những gì đã thấy
chiều nay tại
sân bay, tôi nghĩ anh cũng có phần đúng.
Ít người biết được rằng Nick đến Việt Nam không phải do công ty
truyền thông mời, cũng không hẳn do một nhà xuất bản nọ "cầu khẩn" mà
đơn giản đó chỉ là một trong các điều khoản hợp đồng mà đã ký với Nick.
Theo đó, để có thể phát hành sách của Nick tại Việt Nam, nhà xuất bản nọ
buộc phải đảm ứng một yêu cầu là tổ chức một buổi diễn thuyết cho anh
tại nước sở tại. Ngoài những điều khoản trong hợp đồng xuất bản, hợp
đồng mang Nick đến Việt Nam cũng bao gồm nhiều yêu cầu rất khắt khe,
thậm chí những yêu cầu đó chỉ đến từ các ngôi sao... Hollywood.
Một trong những yêu cầu của Nick là: "Không có bất kỳ một cuộc gặp
gỡ riêng nào với báo giới", những gì anh làm chỉ là diễn thuyết trước
đám đông. Giới thạo tin còn kể rằng một đơn vị tổ chức đã xin tài trợ vé
máy bay cho Nick từ một hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam nhưng anh
không chịu, yêu cầu của Nick là phải một hãng có uy tín ở Việt Nam. Anh
cũng yêu cầu các chế độ VIP cho đoàn tuỳ tùng lên tới hơn chục người của
mình. Anh cần có người nếm trước đồ ăn (có lẽ vì thể trạng của anh
không được tốt). Ngoài ra, số tiền cát-xê của Nick cũng không hề nhỏ (có
người nói 22.000 USD, có người nói 200.000, con số chưa thể kiểm chứng
nhưng kể cả 'chỉ' 22.000 USD thì đó vẫn là một con số quá lớn).
Tại sân bay chiều nay, khi Nick vừa hạ cánh, an ninh được thắt chặt
thậm chí còn hơn cả khi cặp vợ chồng nổi tiếng của Hollywood là Angelia
Jolie và Brad Pitt tới Việt Nam. Tới mức, một cuộc cãi vã lớn đã xảy ra
giữa giám đốc nhà xuất bản và tổ An ninh tại cửa VIP sân bay nội địa
(Nick được sắp xếp ra cửa nội địa dù bay quốc tế) vì tổ an ninh đã không
cho vị giám đốc này vào trong dù ông này lớn tiếng tuyên bố: "Tôi là
trưởng ban tổ chức đây". Cánh báo chí bị buộc phải đứng ngoài xa cách
cửa gần 150m và không thể tác nghiệp vì xe đón Nick đã đậu sát cửa, kính
đen ngòm và dĩ nhiên Nick không có lấy một lời chào dành cho người hâm
một thông qua báo giới.
Tối nay, những gì Nick chia sẻ thật ra không có gì mới, đó là điều
mà bất kỳ một người khuyết tật nào (thậm chí cả người thường) cũng sẽ
từng mắc phải. Còn nghị lực sống ư, hãy hỏi những Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn
Công Hùng, Nguyễn Bích Lan (người dịch sách của Nick), "Cô bé xương
thuỷ tinh" Phương Anh... xem họ có nghị lực sống và vươn lên trong cuộc
sống không? Hỏi họ xem họ có xứng đáng được tôn vinh không? Hỏi họ xem
họ có xứng đáng được quan tâm nhiều hơn không? Khi mà số tiền 32 tỷ đồng
đó, biết đâu lại chẳng gần bằng ngân sách của "Đề án trợ giúp người
khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020" đã được phê duyệt ấy chứ.
Trước khi buổi nói chuyện "Chào Việt Nam" của Nick diễn ra, giá vé
chợ đen được đẩy lên con số 1,5 - 2 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ
đối với đa số người Việt trẻ. Nhưng nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ 2 triệu để
nghe Nick nói chuyện về nỗi khổ, về nghị lực sống... trong khi họ sẵn
sàng bĩu môi và không thèm bố thí một đồng cho người ăn xin tàn tật. Vì
đâu có sự khác biệt đó?
Câu hỏi là: Tại sao lại là Nick mà không phải là một gương mặt cụ
thể nào đó của Việt Nam, như hiệp sĩ công nghệ Nguyễn Công Hùng chẳng
hạn? Với những gì mà Công Hùng làm được, nếu anh được truyền thông Mỹ "o
bế" như Nick, hẳn anh cũng nổi tiếng không kém và biết đâu một đơn vị
nào đó lại chẳng bỏ cả trăm nghìn USD để mời anh tới nói chuyện?
Sự khác biệt lớn nhất giữa Nick và Nguyễn Công Hùng không phải là
tài năng hay nghị lực, mà đơn giản chỉ là ở sức hút truyền thông. Chẳng
ai ngu để tin rằng một công ty bỏ một đống tiền ra mời Nick về Việt Nam
chỉ với mục đích từ thiện, xã hội. Sức hút của Nick là quá lớn, đặc biệt
là với sự tiếp tay của truyền thông, với những TVC được phát liên tục
trên truyền hình (và nhờ đó người ta bán được báo, thu được tiền quảng
cáo, lại được tiếng là "hướng tới cộng đồng khuyết tật" dù sự thật mục
tiêu cao cả này chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi).
Tại sao lại là Nick, tại vì anh ấy là... người nước ngoài. Thật
vậy, người Việt chúng ta vốn sính ngoại. Không ít lần các ngôi sao hạng
B, C của nước ngoài tới Việt Nam phải ngỡ ngàng vì mình được... hâm mộ
quá xá. Các cụ ta nói cấm có sai: "Bụt chùa nhà không thiêng" là vậy...
NGUYEN MINH TRI