Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Làm sao biết mình đã thương ai thật lòng và ngược lại?


Khi yêu thật người ta quên mình. Người nào yêu mà còn cân nhắc tính toán, còn biết là mình yêu thì phải coi chừng. Thông thường hễ yêu thật thì không còn biết mình yêu nữa, bởi vì tình yêu chân chính đồng nghĩa với vô ngã, việc yêu không còn là đối tượng nhận biết của tâm trí nữa…

*Thương thật lòng không phải dễ*

Ứng dụng tình thương không phải đơn giản. Mà khi thương rồi cũng vẫn hoang mang, không hiểu liệu mình có thương thật sự hay không. Cái khó trước tiên là làm sao nhận ra mình thương người ta thật hay không.

Tôi xin đơn cử một ví dụ. Hai người nam nữ mới quen biết, sáng sáng chở nhau đi ăn phở, buổi chiều cùng đi công viên nước vui chơi. Khi ra về, họ ghé vào hàng quán ăn tối. Chàng trai lịch sự kéo ghế cho bạn gái, lấy khăn cho cô lau tay, gắp thức ăn mời cô. Cô gái dịu dàng cám ơn, ánh mắt nhìn chàng thân thiện, miệng mỉm cười tươi tắn. Cả hai người đều ráng sức làm đẹp lòng nhau và thế là cả hai yên trí rằng họ yêu nhau tha thiết.

Nhưng bất thình lình cha cô gái xuất hiện và đùng đùng nổi giận chửi rủa ầm ĩ. Gặp hoàn cảnh đó, người nào thương thật là đứng chịu trận nghe chửi, chờ ông bớt giận mới từ tốn thưa chuyện. Lỡ ông già tức giận đánh con gái thì nhảy vào bênh liền, sẵn sàng chịu đòn thay cho người yêu, đó có thể là tín hiệu của tình yêu thật sự.

Còn nếu vừa thấy ông già làm dữ mà lật đật bỏ chạy rồi sau đó điện thoại phân trần: "Anh yêu em lắm, nhưng hồi nãy ông cụ làm ồn ào, kẹt quá phải bỏ đi!". Gặp trường hợp đó là phải coi lại rồi!

*Khi yêu thật, người ta quên mình*

Muốn biết yêu thật hay không, phải có đủ cơ sở để chứng minh. Chúng ta xem qua những tình sử lớn như trong phim Titanic hoặc Tình sử Đại Đường. Trong phim Titanic, khi chiếc tàu sắp chìm, chàng trai sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu người yêu. Chưa biết liệu cô gái có cơ may sống sót hay không, nhưng chàng trai chắc chắn phải chết và vui lòng chấp nhận để nhường cho người yêu cơ hội được sống.

Hay trong Tình sử Đại Đường, cô công chúa đem lòng thương chàng Biện Cơ và không hề giấu giếm. Cô tuyên bố công khai trong gia đình ông Thừa tướng mà cô đang làm dâu là cô sắp có con với Biện Cơ và sẽ đẻ tại ngôi nhà ấy chứ không đi đâu hết, sau đó cô sẽ báo lại với nhà vua. Quả thật là một cô gái liều lĩnh không biết sợ gì cả. Tại sao? Tại vì cô ta yêu thật, hễ YÊU THẬT LÀ KHÔNG SỢ.

Khi yêu thật người ta QUÊN MÌNH. Người nào yêu mà còn cân nhắc tính toán, còn biết là mình yêu thì phải coi chừng. Thông thường, hễ YÊU THẬT THÌ KHÔNG CÒN BIẾT MÌNH YÊU nữa, bởi vì tình yêu chân chính đồng nghĩa với vô ngã, việc yêu không còn là đối tượng nhận biết của tâm trí nữa.

*Tình thương bằng con tim không khua chiêng gõ mõ*

Một ông chồng nói rằng: "Bà biết rõ tôi thương bà đến mức nào mà". Hay một bà vợ nói: "Tôi thương ông ra sao ông đã biết rồi. Rõ ràng vì thương ông nên tôi mới đánh ghen, nếu không hà cớ gì tôi đánh ghen làm chi. Ông có thấy tôi thương ông đến thế nào không?"

Người nào nghĩ rằng mình thương và đưa ra mọi lý lẽ để chứng minh thì phải xem lại tình thương ấy. Tình thương đi liền với vô ngã, nên TÌNH THƯƠNG LÀ SỰ CHỊU ĐỰNG, SỰ CÂM NÍN, SỰ HY SINH, CHỨ KHÔNG PHẢI PHÔ TRƯƠNG, KHÔNG CÓ LÝ SỰ VÀ KHÔNG CÓ GIÀNH GIẬT. Hễ thương thật thì ai nói ra nói vào cũng không nghe, cứ im lặng, âm thầm làm vậy thôi. Ông bà xưa thường hay nói: "Cái con đó nó lậm rồi". "Lậm" tức là nó lầm lầm lì lì, cứ thế mà làm theo lệnh của con tim.

Ví dụ, một người nghiện xì ke, sau thời gian cai nghiện, anh ta đứng lên hạ quyết tâm thề rằng không bao giờ để tái nghiện. Nghe anh ta hô khẩu hiệu rùm beng mọi người cứ tưởng thật, nhưng thực ra chuyện ồn ào là xuất phát từ cái đầu óc của anh ta, chứ không phải từ con tim. Còn người nào mà con tim đã biến đổi, tình thương cha mẹ, anh em phát triển mạnh, nhận ra rằng việc này tổn thương đến gia đình, đến cha mẹ thì anh ta chỉ có khóc và lẳng lặng hành động, không gióng trống khua chuông, không thề thốt cửa miệng. Anh ta chỉ khóc và âm thầm hành động kiên quyết chống tái nghiện.

*Kiểm chứng lại tình yêu của mình*

Cái gì thật thì không nói được, cái gì nói được là không thật. Cho nên, quý vị nam nữ HỄ THẤY NGƯỜI KIA THỀ THỐT BÁN SỐNG BÁN CHẾT LÀ PHẢI DÈ CHỪNG. Muốn biết thật hay không, phải đặt người đó trước tình huống phải hy sinh, hoặc là danh dự, hoặc là tài sản, hoặc là tính mạng. NẾU CHẤP NHẬN HY SINH CÓ NGHĨA LÀ NGƯỜI ĐÓ YÊU THẬT. Người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh tính mạng mình để bảo vệ Tổ quốc, đó là tình yêu thật. Ngoài ra, những cách cư xử tế nhị, sâu sắc cũng là biểu hiện của tình yêu chân thật.

Ngay cả những người đứng tuổi, những cặp vợ chồng chung sống với nhau có mấy mặt con rồi cũng cần nhìn lại xem thử, xưa nay vợ chồng có thương nhau thật sự hay không. Có khi kiểm tra lại quý vị mới giật mình, vỗ tay xuống bàn mà nước mắt tuôn rơi: hóa ra mấy chục năm đầu ấp tay gối, có đến mấy đứa con rồi, cứ tưởng đâu là mình thương, nhưng đó chưa phải thương thật một cách vô tư, không điều kiện. Cho nên dù đã lớn tuổi, đã chung sống với nhau bao nhiêu năm rồi, cũng nên xem lại, đừng chủ quan về tình thương đối với nhau. TÌNH THƯƠNG CỦA LÝ TRÍ BAO GIỜ CŨNG SỬ DỤNG ĐỦ THỨ LÝ LẼ ĐỂ BẢO VỆ CHO LÒNG HAM MUỐN VÀ ÍCH KỶ CỦA MÌNH. 

Nếu nói thương thì trước nhất phải khẳng định chúng ta có thương thật sự hay không, thương bằng trái tim hay thương bằng lý trí. LÝ TRÍ THƯƠNG THÌ LUÔN ĐÒI HỎI PHẢI ĐÁP TRẢ LẠI: "Cô phải dành thì giờ cho tôi, nụ cười cho riêng tôi, nói năng ngọt ngào dịu dàng với tôi, điểm trang ăn diện để cho mình tôi ngắm vì tôi thương cô". Tình thương do lý trí phát sinh đòi hỏi đủ thứ chẳng khác gì một sự đổi chác. Tình thương xuất phát từ lý trí vừa cho ra mà vừa lấy vào, có thể trao đổi ngang bằng, nhưng cũng có thể cho một mà nhận hai không chừng, nhưng nhất thiết là phải lấy vào, không lấy không được. Còn TÌNH THƯƠNG PHÁT XUẤT TỪ CON TIM CHỈ CÓ TUÔN RA, CHỨ KHÔNG QUƠ VÀO, CHỈ CHO ĐI MÀ KHÔNG NHẬN VỀ.

Duy Tuệ